Thứ Năm, 11 tháng 3, 2021

Chứng mình thư nhân dân và những điều cần biết

Nghị định của chính phủ số 05/1999/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 1999 về chứng minh nhân dân theo đó chứng minh nhân dân (CMND) là một loại giấy tờ tùy thân của công dân do cơ quan Công an có thẩm quyền chứng nhận về những đặc điểm riêng và nội dung cơ bản của mỗi công dân trong độ tuổi do pháp luật quy định, nhằm bảo đảm thuận tiện việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong đi lại và thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

Căn cứ theo điểm 1 Mục I Thông tư của Bộ Công an số 04/1999/TT-BCA(C13) ngày 29 tháng 4 năm 1999 hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 3 tháng 2 năm 1999 của chính phủ về chứng minh nhân dân quy định đối tượng được cấp CMND là những người bao gồm: Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên, cơ sở để tính tuổi theo ngày, tháng, năm sinh ghi trong hộ khẩu hoặc giấy khai sinh; Công dân Việt Nam đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam được hiểu là công dân đó đang sinh sống, làm việc, học tập… tại một địa chỉ xác định trên lãnh thổ Việt Nam;

Việc kiểm tra Chứng minh nhân dân tại Điều 9 Nghị định 05/1999 quy định: Cán bộ, công chức và những người của các cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ bảo vệ, giải quyết công việc có liên quan đến công dân được quyền yêu cầu công dân xuất trình Chứng minh nhân dân trước khi giải quyết công việc. Cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân và công an xã trong khi làm nhiệm vụ được quyền kiểm tra, kiểm soát Chứng minh nhân dân của công dân tại nơi công cộng hoặc phạm vi địa bàn quản lý.

Về thẩm quyền thu hồi, tạm giữ Chứng minh nhân dân theo quy định tại Điều 11 Nghị định 05/1999 NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 106/2013/NĐ-CP quy định như sau:

i) Cơ quan Công an nơi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân có thẩm quyền thu hồi chứng minh nhân dân trong các trường hợp bị tước hoặc thôi quốc tịch Việt Nam; ra nước ngoài định cư;

ii) Những người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo Luật xử lý vi phạm hành chính có quyền tạm giữ Chứng minh nhân dân của những công dân có hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;

iii) Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi công dân có hộ khẩu thường trú, cơ quan thi hành lệnh tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có thẩm quyền tạm giữ Chứng minh nhân dân của những công dân theo quy định pháp luật.

 

Lưu ý đối với hành vi sử dụng chứng minh nhân dân của người khác để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng căn cứ theo quy định của pháp luật tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định 167/2013/NĐ-CP

Ngoài ra, theo quy định pháp luật, công dân, tổ chức có quyền khiếu nại, tố cáo cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về việc cấp, quản lý và sử dụng Chứng minh nhân dân. Các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền khi nhận được khiếu nại, tố cáo phải có trách nhiệm giải quyết theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Nguồn: luatsu1900

 

 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét