Thứ Ba, 9 tháng 3, 2021

Nghĩa vụ cấp dưỡng khi làm chết người đang nuôi con nhỏ

Khoản 2 Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác” Điều đó có nghĩa là ngoài việc xem xét hành vi gây thiệt hại thì còn phải xem xét nguyên nhân xảy ra, thiệt hại phát sinh do đâu, lỗi thuộc về nạn nhân hay thuộc về người còn sống, từ đó mới xác định được trách nhiệm bồi thường

Điều 593 Bộ luật dân sự 2015 quy định về đối tượng nhận cấp dưỡng như sau: “Người chưa thành niên hoặc người đã thành thai là con của người chết và còn sống sau khi sinh ra được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi đủ mười tám tuổi, trừ trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động và có thu nhập đủ nuôi sống bản thân; Người thành niên nhưng không có khả năng lao động được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi chết”

Căn cứ vào Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP: ” Chỉ xem xét khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng, nếu trước khi tính mạng bị xâm phạm người bị thiệt hại thực tế đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Những người đang được người bị thiệt hại cấp dưỡng được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng, tương ứng đó. Đối với những người mà người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng nhưng sau khi người bị thiệt hại bị xâm phạm tính mạng, thì những người này được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng hợp lý phù hợp với thu nhập và khả năng thực tế của người phải bồi thường, nhu cầu thiết yếu của người được bồi thường. Thời điểm cấp dưỡng được xác định kể từ thời điểm tính mạng bị xâm phạm”.

Ngoài ra, Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP cũng hướng dẫn chi tiết việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng: “Người có nghĩa vụ cấp dưỡng không phải là thay người bị thiệt hại nuôi dưỡng con của họ, mà là việc đóng góp tiền bạc cùng những người trực tiếp nuôi dưỡng những người con chưa thành niên này”

Như vậy, khi xảy ra tai nạn, nếu như người bị chết có nghĩa vụ phải cấp dưỡng nuôi con thì người gây ra tai nạn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng đối với các con của nạn nhân. Tuy nhiên, mức bồi thường có căn cứ đến các yếu tố lỗi và khả năng kinh tế của người phải bồi thường

Trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, người được cấp dưỡng hoặc người có lợi ích liên quan có thể khởi kiện ra Toà án dân sự, yêu cầu Toà án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.

Trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng vẫn không thực hiện nghĩa vụ của mình mặc dù đã có phán quyết của Toà án sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng theo Điều 186 Bộ luật Hình sự 2015: “Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quyết định của Tòa án mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.

Nguồn: luatsu1900

0 nhận xét:

Đăng nhận xét