ANT Lawyers

Vietnam Law Firm with English Speaking Lawyers

ANT Lawyers

Vietnam Law Firm with English Speaking Lawyers

ANT Lawyers

Vietnam Law Firm with English Speaking Lawyers

ANT Lawyers

Vietnam Law Firm with English Speaking Lawyers

ANT Lawyers

Vietnam Law Firm with English Speaking Lawyers

Thứ Hai, 17 tháng 7, 2023

Các trường hợp hủy kết hôn trái pháp luật?

Các trường hợp hủy kết hôn trái pháp luật?

Các trường hợp hủy kết hôn trái pháp luật? Điều kiện hủy kết hôn trái pháp luật?

Căn cứ theo Khoản 6 Điều 3 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định việc kết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật này. Cụ thể, tại Điều 8 Luật Hôn nhân gia đình quy định các điều kiện kết hôn như sau:

Các trường hợp hủy kết hôn trái pháp luật

1.Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.

* Lưu ý: Các trường hợp Cấm kết hôn được quy định tại các điểm a,b,c và d Khoản 2 Điều 5 bao gồm:

i) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

ii) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

iii) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

iv) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

2. Những người có quyền yêu cầu hủy bỏ kết hôn trái pháp luật

Căn cứ theo Điều 10 Luật Hôn nhân gia đình 2014 thì những người sau có quyền yêu cầu hủy bỏ kết hôn trái pháp luật:

i) Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

ii)  Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật này:

a) Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ.

iii) Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện việc kết hôn trái pháp luật thì có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.

Có thể bạn quan tâm: Kết hôn đồng giới có bị phạt không?

Lưu ý: Nếu lúc tuyên bố hủy kết hôn trái pháp luật mà 2 bên đủ điều kiện kết hôn thì sẽ được giải quyết theo từng trường hợp được quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP về hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân Gia đình  như sau:

i) Nếu hai bên kết hôn cùng yêu cầu Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án quyết định công nhận quan hệ hôn nhân đó kể từ thời điểm các bên kết hôn có đủ điều kiện kết hôn;

ii) Nếu một hoặc hai bên yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật hoặc có một bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân hoặc có một bên yêu cầu ly hôn còn bên kia không có yêu cầu thì Tòa án quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật.;

iii) Trường hợp hai bên cùng yêu cầu Tòa án cho ly hôn hoặc có một bên yêu cầu ly hôn còn bên kia yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về hủy kết hôn trái pháp luật. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn hoặc hỗ trợ chi tiết.

 

Chủ Nhật, 16 tháng 7, 2023

Kết hôn đồng giới có bị phạt không?

Hôn nhân đồng giới là hôn nhân giữa hai người có cùng giới tính sinh học, đây là việc nhạy cảm nhưng cũng không quá hiếm hoi trong xã hội ngày này. Vậy pháp luật Việt Nam quy định thế nào về hôn nhân đồng giới? Hôn nhân giữ hai người đồng giới có bị phạt hay không? 

Khoản 2 điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đề cập đến điều kiện kết hôn, trong đó: "nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính". Không thừa nhận có nghĩa là nhà nước không cho phép người đồng giới đăng ký kết hôn tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay được coi như vợ-chồng với các quyền và nghĩa vụ tương ứng.

Kết hôn đồng giới có bị phạt không?

Khoản 2 điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định các hành vi bị cấm bao gồm: "Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo; Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn; Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;  Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng; Yêu sách của cải trong kết hôn; Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn; Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính; Bạo lực gia đình; Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi". Như vậy, hôn nhân đồng giới không bị cấm, người đồng giới có thể tổ chức hôn lễ, chung sống với nhau, tuy nhiên như đã nói ở trên quan hệ của họ không được pháp luật thừa nhận, việc kết hôn của họ không có giá trị pháp lý.

Tổ chức đám cưới mà không đăng ký kết hôn có vi phạm pháp luật không?

Tóm lại, theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014, nhà nước không cấm những người có cùng giới tính kết hôn mà chỉ “không thừa nhận” mối quan hệ hôn nhân này. Đồng nghĩa, những người đồng tính có thể tổ chức đám cưới, sống chung với nhau như vợ chồng nhưng không được thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Khi đó, về mặt pháp lý, hôn nhân giữa hai người có cùng giới tính không tồn tại và không được pháp luật thừa nhận, giữa họ không phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng như cấp dưỡng; thừa kế; tài sản chung vợ chồng… Tổ chức hôn lễ là mở một bữa tiệc thông báo với gia đình, bạn bè theo phong tục tập quán, do đó, pháp luật không can thiệp vào việc tổ chức hôn lễ giữa hai người đồng giới, không thừa nhận cũng không xử phạt.

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn hoặc hỗ trợ chi tiết.

Thứ Tư, 12 tháng 7, 2023

Trường hợp bị tịch thu xe mô tô

Các trường hợp bị tịch thu xe mô tô, xe gắn máy

Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã nêu cụ thể các trường hợp bị tịch thu xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự như xe mô tô, xe gắn máy như sau:

Các trường hợp bị tịch thu xe mô tô, xe gắn máy

1.Tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần các hành vi:

i) Buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi một bên điều khiển xe; nằm trên yên xe điều khiển xe; thay người điều khiển xe khi đang chạy; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe;

ii) Điều khiển xe lạng lách, đánh võng trên đường bộ trong hoặc ngoài đô thị;

iii) Điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh; hai bánh đối với xe ba bánh;

iv) Điều khiển xe thành 02 nhóm trở lên chạy quá tốc độ quy định.

2. Điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông ( Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

3. Điều khiển xe thuộc một trong các trường hợp sau đây tham gia giao thông mà không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của phương tiện (không có giấy tờ, chứng từ chuyển quyền sở hữu xe hoặc giấy tờ, chứng từ nguồn gốc xe hợp pháp) theo quy định tại Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP:

i) Không có Giấy đăng kí xe theo quy định;

ii) Sử dụng Giấy đăng kí xe không do cơ quan có thẩm quyền quy định cấp;

iii) Sử dụng Giấy đăng kí xe không đúng số khung, số máy của xe.

Có thể bạn quan tâmThẩm quyền xử phạt vi phạm giao thông của Cảnh sát giao thông

4.Đua xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện trái phép (Điều 34 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về các trường hợp bị tịch thu xe mô tô, xe gắn máy. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn hoặc hỗ trợ cụ thể.

 

Thứ Ba, 11 tháng 7, 2023

Thẩm quyền xử phạt của Cảnh sát giao thông

Thẩm quyền xử phạt vi phạm giao thông của Cảnh sát giao thông

Thẩm quyền xử phạt vi phạm giao thông của cảnh sát giao thông theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Nguồn ảnh: Bộ công an

Căn cứ theo Điều 76 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì thẩm quyền xử phạt vi phạm giao thông của Công an nhân dân (bao gồm Cảnh sát giao thông và các lực lượng khác) cụ thể như sau:

i) Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền:

- Phạt cảnh cáo;

- Phạt tiền đến 400 ngàn đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ và 500.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường sắt.

ii) Trạm trưởng, Đội trưởng của chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền:

- Phạt cảnh cáo;

- Phạt tiền đến 1,2 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ và 1,5 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường sắt.

iii) Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trạm trưởng Trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất có quyền:

- Phạt cảnh cáo;

- Phạt tiền đến 2 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ và 2,5 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường sắt;

- Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức phạt tiền 2 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ và 2,5 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường sắt;

- Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a và c khoản 1 Điều 4 của Nghị định này.

iv) Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông; Trưởng phòng Công an cấp tỉnh gồm Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt; Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát cơ động từ cấp đại đội trở lên, có quyền:

- Phạt cảnh cáo;

- Phạt tiền đến 8 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ và 15 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường sắt;

- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

- Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức phạt tiền 8 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ và 15 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường sắt;

- Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c và e khoản 1 Điều 4 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

v) Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền:

- Phạt cảnh cáo;

- Phạt tiền đến 20 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ và 37,5 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường sắt;

- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

- Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức phạt tiền 20 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ và 37,5 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường sắt;

- Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các Điểm a, c, đ và e Khoản 1 Điều 4 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

vi). Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội có quyền:

- Phạt cảnh cáo;

- Phạt tiền đến 40 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ và 75 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường sắt;

- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

- Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

- Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c, đ và e khoản 1 điều 4 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

=>>> Cho mượn xe bị phạt nguội, chủ xe có phải nộp phạt không?

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về thẩm quyền xử phạt vi phạm giao thông của Cảnh sát giao thông. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn hoặc hỗ trợ chi tiết.


Thứ Năm, 6 tháng 7, 2023

Có bắt buộc tất cả người được thừa kế trực tiếp tham gia thủ tục chia di sản không?

Có bắt buộc tất cả người được thừa kế trực tiếp tham gia thủ tục chia di sản không?

Điều 613 quy định về người thừa kế như sau: "Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế" .

Chia di sản thừa kế

Điều 656 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: "Sau khi có thông báo về việc mở thừa kế hoặc di chúc được công bố, những người thừa kế có thể họp mặt để thỏa thuận những việc sau đây: Cử người quản lý di sản, người phân chia di sản, xác định quyền, nghĩa vụ của những người này, nếu người để lại di sản không chỉ định trong di chúc; Cách thức phân chia di sản. Mọi thỏa thuận của những người thừa kế phải được lập thành văn bản." Việc người thừa kế có họp mặt hay không nằm trong sự thỏa thuận của họ, họ có thể họp mặt hoặc không, do đó không bắt buộc phải có mặt đầy đủ.

Trường hợp người thừa kế mới thành thai nhưng chưa sinh ra, vắng mặt tại nơi cứ trú hoặc mất tích, tức là không trực tiếp tham gia vào thủ tục chia di sản, người đó vẫn nhận di sản thừa kế như những người khác. Tài sản thừa kế của người không có mặt để tham gia vào thủ tục chia di sản sẽ do người quản lý tài sản của người đó quản lý, khi người đó có điều kiện tiếp nhận tài sản, người quản lý tài sản sẽ giao lại tài sản và thông báo cho Tòa án biết.

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về chia di sản thừa kế. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn hoặc hỗ trợ chi tiết về pháp luật dân sự.