Thứ Hai, 5 tháng 4, 2021

Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết


Nghị Định số 60/2015/NĐ-CP (Nghị định 60) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị Định 58/2012/NĐ-CP do Chính Phủ ban hành ngày 26/05/2015 đã dỡ bỏ hạn chế sở hữu nước ngoài áp dụng đối với chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài (kèm theo điều kiện), đồng thời trao quyền cho doanh nghiệp định đoạt giới hạn sở hữu nước ngoài đối với những công ty hoạt động trong các ngành, lĩnh vực không hạn chế nhà đầu tư nước ngoài sở hữu cổ phần.


Mặc dù Chính phủ đang nỗ lực nâng cao cơ hội hơn cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào chứng khoán trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam huy động vốn, nhưng nhà đầu tư nước ngoài vẫn gặp phải một số khó khăn nhất định. Nghị định 60 đã có hiệu lực từ 01/09/2015 nhưng trên thực tế không có nhiều công ty đại chúng nâng tỷ lệ sở hữu vượt quá 51%. Do doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ 51% trở lên sẽ phải thực hiện hoạt động đầu tư áp dụng với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư 2014, Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn (theo Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực từ 01/01/2021 thì tỷ lệ này là 50%), điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch kinh doanh và các thủ tục tác động tới doanh nghiệp. Việc nhà đầu tư nước ngoài mua bán cổ phiếu hàng ngày quanh ngưỡng 51% vốn điều lệ gây khó khăn tới việc xác định địa vị pháp lý của doanh nghiệp.

Nhằm tạo điều kiện thu hút dòng vốn nước ngoài, những năm gần đây chính phủ đang xem xét áp dụng chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (non-voting depositary receipt hoặc NVDR). Việc ban hành Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực từ 01/01/2021 bước đầu ghi nhận về chứng chỉ lưu ký này. Cổ phần phổ thông được dùng làm tài sản cơ sở để phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết được gọi là cổ phần phổ thông cơ sở. Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết có lợi ích kinh tế và nghĩa vụ tương ứng với cổ phần phổ thông cơ sở, trừ quyền biểu quyết. Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết là một loại chứng chỉ lưu ký đặc biệt, do một tổ chức thứ ba là công ty con của sở giao dịch chứng khoán gọi là tổ chức phát hành. Tổ chức phát hành NVDR sẽ chuyển giao cho nhà đầu tư tất cả quyền lợi tài chính gắn liền với cổ phiếu như cổ tức, quyền mua cổ phiếu mới. Đây là giải pháp học tập từ Thái Lan giúp các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các công ty đại chúng ngay cả khi công ty đó đã đạt mức tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể chuyển từ NVDR sang cổ phần thông thường trong trường hợp công ty niêm yết chưa đạt tới sở hữu nước ngoài. Hiện tại đang chờ các văn bản hướng dẫn chi tiết về chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét