Thứ Hai, 12 tháng 4, 2021

Làm thế nào để được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng?


Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng (sau đây gọi tắt là chứng chỉ hành nghề) được cấp cho cá nhân là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài hoạt động xây dựng hợp pháp tại Việt Nam để đảm nhận các chức danh hoặc hành nghề độc lập quy định tại Luật Xây dựng sửa đổi 2020.


Theo đó, những chức danh, cá nhân hành nghề hoạt động xây dựng phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật Xây dựng bao gồm giám đốc quản lý dự án đầu tư xây dựng; chủ nhiệm, chủ trì lập thiết kế quy hoạch xây dựng; chủ nhiệm khảo sát xây dựng; chủ nhiệm, chủ trì thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng; tư vấn giám sát thi công xây dựng; chủ trì lập, thẩm tra và quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Cá nhân người nước ngoài đã có chứng chỉ hành nghề do cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp, nếu hành nghề hoạt động xây dựng ở Việt Nam dưới 06 tháng thì được công nhận hành nghề. Trường hợp cá nhân hành nghề hoạt động xây dựng ở Việt Nam từ 06 tháng trở lên, phải chuyển đổi chứng chỉ hành nghề tại cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định.

Cá nhân nước ngoài được cấp chứng chỉ hành nghề khi đáp ứng các điều kiện sau: Có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật và có giấy phép cư trú hoặc giấy phép lao động tại Việt Nam; Có trình độ chuyên môn được đào tạo, thời gian và kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề; Đạt yêu cầu sát hạch đối với lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.

Chứng chỉ hành nghề được phân thành hạng I, hạng II và hạng III. Trong đó, đối với Hạng I, cá nhân cần có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 07 năm trở lên; đối với Hạng II, có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 04 năm trở lên; đối với Hạng III, có trình độ chuyên môn phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 02 năm trở lên đối với cá nhân có trình độ đại học; từ 03 năm trở lên đối với cá nhân có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp.

Thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề, cơ quan chuyên môn về xây dựng trực thuộc Bộ Xây dựng cấp chứng chỉ hành nghề hạng I; Sở Xây dựng cấp chứng chỉ hành nghề hạng II, hạng III và tổ chức xã hội – nghề nghiệp được công nhận cấp chứng chỉ hành nghề hạng II, hạng III cho cá nhân là hội viên, thành viên của mình.

Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề lần đầu bao gồm: Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề kèm theo 02 ảnh màu cỡ 4 x 6 cm có nền màu trắng chân dung của người đề nghị được chụp trong thời gian không quá 06 tháng; Văn bằng do cơ sở đào tạo hợp pháp cấp phù hợp với loại, hạng chứng chỉ đề nghị cấp; Các quyết định phân công công việc (giao nhiệm vụ) của tổ chức cho cá nhân hoặc văn bản xác nhận của đại diện theo pháp luật của chủ đầu tư về các công việc tiêu biểu mà cá nhân đã hoàn thành theo nội dung kê khai, trường hợp cá nhân hành nghề độc lập thì phải có hợp đồng và biên bản nghiệm thu các công việc thực hiện tiêu biểu đã kê khai; Giấy tờ hợp pháp về cư trú hoặc giấy phép lao động do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với trường hợp cá nhân là người nước ngoài. Các tài liệu nêu trên phải là bản sao có chứng thực hoặc tệp tin chứa ảnh màu chụp từ bản chính hoặc bản sao, xuất trình bản chính để đối chiếu. Ngoài ra, trong trường hợp đã sát hạch trước ngày nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề thì phải có kết quả sát hạch đạt yêu cầu.

Cá nhân gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề qua mạng trực tuyến hoặc qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề. Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng trong thời hạn 20 ngày đối với trường hợp cấp chứng chỉ hành nghề lần đầu. Trường hợp hồ sơ không đầy đủ hoặc không hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề phải thông báo một lần bằng văn bản tới cá nhân đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị.

Chứng chỉ hành nghề của cá nhân nước ngoài, hiệu lực được xác định theo thời hạn được ghi trong giấy phép lao động hoặc thẻ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền cấp nhưng không quá 05 năm.

Trên đây là quy định về quy trình cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng đối với cá nhân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo Luật Xây dựng sửa đổi 2020. Luật Xây dựng sửa đổi 2020 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét