ANT Lawyers

Vietnam Law Firm with English Speaking Lawyers

ANT Lawyers

Vietnam Law Firm with English Speaking Lawyers

ANT Lawyers

Vietnam Law Firm with English Speaking Lawyers

ANT Lawyers

Vietnam Law Firm with English Speaking Lawyers

ANT Lawyers

Vietnam Law Firm with English Speaking Lawyers

Thứ Tư, 31 tháng 3, 2021

Thông báo thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động có thời hạn

Hết hạn hợp đồng lao động là một trong những trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động 2012. Theo đó, ít nhất 15 ngày trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động. Việc chấm dứt quan hệ lao động có nhiều trường hợp chấm dứt khác nhau, với những điều kiện, thủ tục chấm dứt khác nhau nhằm cân bằng quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động, tránh tranh chấp trong lao động.

Trước đây, phạt vi phạm hành chính được áp dụng đối với vi phạm thủ tục nêu tại đây. Nếu không thông báo bằng văn bản cho người lao động biết trước ít nhất 15 ngày, trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động sẽ chịu mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Tuy nhiên, Nghị định 28/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 01/03/2020 đã bãi bỏ quy định xử phạt doanh nghiệp đối với hành vi này.

Khi hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Việc không thông báo không đồng nghĩa với việc người sử dụng lao động tiếp tục phát sinh quan hệ lao động sau ngày hợp đồng lao động có thời gian cũ hết hạn. Chỉ khi doanh nghiệp không tiếp tục ký hợp đồng lao động mới trong thời hạn 30 ngày, nhưng người lao động vẫn làm việc bình thường với công việc đã ký trước đây và được trả lương hàng tháng đầy đủ, thì hợp đồng lao động xác định thời hạn đã hết hạn mặc nhiên trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Lúc này nếu có bất kỳ tranh chấp nào phát sinh sẽ là tranh chấp về vi phạm một trong các nội dung hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Đối với trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động 2019, Bộ luật Lao động 2019 đã bãi bỏ quy định thông báo trước ít nhất 15 ngày trước khi hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn. Thay vào đó, chỉ trong một số trường hợp như người lao động bị kết án phạt tù, người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất,… người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động về việc chấm dứt hợp đồng lao động nhưng cũng không quy định cụ thể thời hạn thông báo trước.

Hợp tác thương mại Việt Nam- Đức



Sau 45 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao Việt Nam- Đức (1975-2020), cả hai nước đã có những chương trình hợp tác trên nhiều lĩnh vực như văn hóa, kinh tế, giáo dục, y tế. Đặc biệt, sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) có hiệu lực đã mối quan hệ hợp tác về thương mại giữa hai nước đã phát triển hơn.

EVFTA là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường sang các quốc gia Châu Âu, trong đó có Đức. Ngược lại đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Đức thực hiện xin giấy phép đầu tư, thành lập công ty tại Việt Nam nhờ các chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư được cam kết.

Đức là quốc gia phát triển công nghệ hàng đầu của thế giới và là một bộ phận không thể thiếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đức cũng đặt ra nhiều yêu cầu khắt khe về chất lượng của hàng hóa và tính thân thiện môi trường của sản phẩm, điều này đòi hỏi Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản xuất, sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường. Với việc ký Hiệp định thương mại EVFTA, Việt Nam và Đức sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong việc trao đổi công nghệ, đầu tư, từ đó sẽ giúp việc hợp tác thương mại giữa hai nước phát triển hơn.

Trước năm 2014, hàng hóa Việt Nam xuất nhiều sang Đức là nhóm ngành hàng ô nhiễm ít nhất bao gồm sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm gỗ, thực phẩm chế biến, đồ uống, sản phẩm may mặc, giày dép và đồ thủy tinh. Từ năm 2014, xuất khẩu máy móc, thiết bị sang Đức bắt đầu tăng lên và trở thành mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất. Sau EVFTA, Việt Nam sẽ tăng cường xuất khẩu giày dép, hàng dệt may và các mặt hàng nông sản như cà phê, chè, hạt tiêu và cao su; ở chiều ngược lại, sẽ nhập nhiều sản phẩm liên quan đến chế biến, dược phẩm, hóa chất.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng tiêu chí nhập khẩu vào Đức và Châu Âu, Việt Nam cũng thu hút vốn đầu tư nước ngoài để phát triển bền vững những ngành kinh tế còn yếu kém như dược phẩm, hóa chất, nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng đủ điều kiện sử dụng trong nước và nhập khẩu tới nhiều quốc gia trên thế giới.

Hiện tại, số lượng dự án đầu tư của các nhà đầu tư từ Đức thực hiện tại Việt Nam chưa cao so với các quốc gia khác. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần xem xét lại những ưu điểm, nhược điểm của mình để có thể đáp ứng được nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư Đức. Việc thực thi Hiệp định EVFTA, Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020 đây là cơ hội để nhà đầu tư quốc tế, trong đó có các nhà đầu tư Đức dễ dàng tiếp cận thị trường Việt Nam khi mở rộng đầu tư.

Với nhiều nỗ lực hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Đức trong thời gian qua, Việt Nam hi vọng trong những năm tới đây, Việt Nam sẽ là điểm đến hàng đầu trong đầu tư đối với các nhà đầu tư Đức và giúp nâng cao hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước trong tương lai.

Thứ Hai, 29 tháng 3, 2021

Các tranh chấp hợp đồng thường gặp và Giải pháp tư vấn

Trong hoạt động đời sống, tranh chấp hợp đồng xảy ra là ngoài ý muốn của các chủ thể khi tham gia quan hệ hợp đồng.  Ở các nước phát triển, luật sư luôn được khách hàng tư vấn để nhận diện tranh chấp tiềm tàng, và đưa các giải pháp, hộ trợ tư vấn pháp lý và đồng hành cùng doanh nghiệp giải quyết các tranh chấp trong các giai đoạn của giao dịch phù hợp với các quy định của pháp luật, và giúp doanh nghiệp tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tranh chấp hợp đồng

Tranh chấp hợp đồng được hiểu là những xung đột, bất đồng, mâu thuẫn giữa các bên về việc thực hiện hoặc không thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng.

Tranh chấp hợp đồng phải có đủ các yếu tố sau:

Có hợp đồng giữa các bên. Hợp đồng được giao kết dưới nhiều hình thức khác nhau như: văn bản và các hình thức tương đương văn bản, hợp đồng miệng hay hợp đồng hành vi. Do vậy, cần phải xác định rõ có quan hệ hợp đồng hình thành hay không.

Có sự vi phạm nghĩa vụ hoặc cho rằng là vi phạm nghĩa vụ của một bên trong quan hệ hợp đồng.

Có sự bất đồng giữa các bên về sự vi phạm hoặc xử lý hậu quả của sự vi phạm đó.

Cần lưu ý, các tranh chấp hợp đồng phát sinh từ sự vi phạm. Tuy nhiên, không phải sự vi phạm hợp đồng nào cũng dẫn đến tranh chấp.

Đặc điểm của tranh chấp hợp đồng

Các bên chủ thể có quyền cao nhất trong định đoạt việc giải quyết tranh chấp (Trừ những quan hệ hợp đồng ảnh hưởng đến lợi ích Nhà nước)

Tranh chấp hợp đồng luôn gắn với lợi ích của các bên tranh chấp

Nguyên tắc giải quyết tranh chấp hợp đồng là tự nguyện bình đẳng và thỏa thuận.

Giải quyết tranh chấp hợp đồng

Tranh chấp hợp đồng có thể được giải quyết bằng các phương thức sau:

Thương lượng là quá trình hay hành vi mà trong đó, hai bên tiến hành trao đổi, thỏa thuận về các mối quan tâm chung và những đặc điểm bất đồng và đi đến một thỏa thuận thống nhất. Thương lượng không có sự xuất hiện của bên thứ ba. Tuy nhiên, nếu người luật sư tham gia với vai trò đại diện thương lượng hoặc tham mưu, tư vấn thì việc thương lượng có hiệu quả cao hơn và dễ đi đến một thỏa thuận có lợi nhất.

Hòa giải cũng là một quá trình các bên chấm dứt xung đột. Hòa giải khác với thương lượng là có sự can thiệp của bên thứ ba. Người trung gian là người đứng ra giàn xếp xung đột giữa các bên.

Tổ chức tài phán.

Tòa án: là cơ quan tư pháp của Nhà nước có chức năng xét xử. Việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án sẽ tiết kiệm chi phí nhưng lại tốn thời gian. Phán quyết của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị.

Trọng tài thương mại: Đây là phương thức giải quyết tranh chấp chỉ có trong lĩnh vực kinh doanh- thương mại. Ưu điểm của phương thức này là nhanh chóng, hiệu quả. Tuy nhiên, chi phí cao hơn và phán quyết có giá trị chung thẩm.

Tranh chấp và giải quyết tranh chấp là vấn đề tự nhiên và tất yếu của bất kỳ nền quốc gia nào. Cần nhận diện, tiên liệu trước những tranh chấp có thể xảy ra.  Khi có tranh chấp hợp đồng, luật sư giải quyết tranh chấp sẽ có thể giúp doanh nghiệp đưa ra những giải pháp hợp lý, hiệu quả để giải quyết.

Tư vấn giải quyết tranh chấp nội bộ cổ đông công ty

Công ty luật ANT cung cấp dịch vụ tư vấn luật và giải quyết tranh chấp nội bộ công ty, tranh chấp cổ đông, thành viên, bao gồm: tranh chấp giữa công ty với các thành viên, cổ đông của công ty, giữa các thành viên, cổ đông của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.

Dịch vụ tư vấn giải quyết tranh chấp nội bộ công ty:

Tiếp nhận và xử lý hồ sơ, thông tin về vụ việc, rà soát hệ thống văn bản pháp luật doanh nghiệp, văn bản nội bộ công ty để đưa ra phương án giải quyết tranh chấp nội bộ;

Thống nhất với Khách hàng về phương án giải quyết tranh chấp và lên kế hoạch phối hợp thực hiện;

Tiếp xúc với các bên liên quan để đàm phán, thuyết phục nhằm giải quyết các tranh chấp nội bộ bằng con đường thương lượng hoặc hòa giải với vai trò trung gian của luật sư;

Tư vấn, đại diện Khách hàng tham dự các cuộc họp để giải quyết tranh chấp;

Tư vấn và thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh chia, tách, giải thể doanh nghiệp;

Cử luật sư đại diện Khách hàng khởi kiện, tham gia tố tụng tại Tòa án hoặc Trọng tài;

Tư vấn và hỗ trợ Khách hàng trong quá trình thi hành án và các vấn đề khác có liên quan.

Các loại tranh chấp nội bộ công ty phổ biến

Tranh chấp tư cách thành viên, cổ đông doanh nghiệp: cổ đông/thành viên không góp không đủ vốn đã đăng ký nhưng yêu cầu được hưởng lợi ích đầy đủ như các cổ đông đã góp đủ vốn.

Tranh chấp phát sinh từ phương thức góp và tài sản góp vốn: định giá tài sản cao hơn giá trị thực tế; không chuyển sở hữu tài sản góp vốn; không thỏa thuận với nhau trước về việc góp vốn và giá trị góp vốn bằng tài sản.

Tranh chấp về việc mua cổ phần chào bán của các công ty cổ phần.

Tranh chấp từ việc chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp và tính hợp pháp của các hợp đồng chuyển nhượng liên quan.

Tranh chấp về phương thức quản lý, điều hành nội bộ trong doanh nghiệp.

Tranh chấp liên quan tới việc thủ tục tổ chức các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên công ty.

Tranh chấp về thẩm quyền thông qua các quyết định quản lý nội bộ doanh nghiệp.

Tranh chấp về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức giám đốc, người đại diện pháp luật của công ty.

Xu hướng M&A tại Việt Nam

Trong 10 năm qua, Việt Nam luôn là một trong những điểm đến M&A hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á. Nhiều nhà đầu tư quốc tế đã lựa chọn Việt Nam là nơi phát triển kinh doanh của mình, để đầu tư trực tiếp, xin giấy phép đăng ký đầu tư, hay thực hiện việc mua cổ phần tại các doanh nghiệp bản địa.

Hoạt động M&A giúp cho các doanh nghiệp quốc tế có thể tận dụng những nền tảng kinh doanh sẵn có của các doanh nghiệp Việt Nam để tiếp tục thực hiện đầu tư. Điều này giúp các nhà đầu tư quốc tế có thể kịp thời nắm bắt xu hướng dịch chuyển của công nghệ, chính sách pháp lý, cơ sở vật chất để thực hiện kinh doanh, thay vì xây dựng lại từ đầu, sẽ mất nhiều thời gian và công sức.

Thời gian gần đây, thị trường M&A tại Việt Nam rất sôi động và hấp dẫn nhiều nhà đầu tư trên thế giới, nhất là trên lĩnh vực bán lẻ, tài chính. Nhiều nhà đầu tư quốc tế đã thực hiện nhiều thương vụ M&A lớn tại Việt Nam trong các năm qua và đạt được những lợi nhuận đáng kể trong kinh doanh.

Có nhiều lý do để nhà đầu tư lựa chọn Việt Nam là nơi thực hiện kinh doanh, nhưng một số yếu tố chính giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư quốc tế chính là sự ổn định chính trị, tốc độ tăng trưởng kinh tế số 1 Đông Nam Á, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên Việt Nam là nước duy nhất được dự báo có mức tăng trưởng dương tại khu vực. Ngoài ra, với dân số 100 triệu dân, vì vậy đây được coi là thị trường tiêu thụ lớn, cùng với lực lượng lao động dồi dào, chất lượng cao.

Hiện nay, với xu thế dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, nhiều nhà đầu tư đã lựa chọn Việt Nam là nơi đặt nhà máy. Việc xây dựng nhà máy lại từ đầu cũng khiến nhà đầu tư tốn nhiều thời gian, chi phí, vì vậy, việc tận dụng các nhà máy của Việt Nam sẽ giúp nhà đầu tư không bị gián đoạn việc sản xuất của mình, nhanh chóng vận hành doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để có thể thực hiện tốt hoạt động M&A tại Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài cần tìm hiểu rõ thị trường và đối tác Việt Nam trước khi thực hiện M&A, thông qua việc đánh giá thị trường, đánh giá đối tác về năng lực tài chính, khẳ năng triển khai, tình hình nhân sự chủ chốt. Việc này sẽ giúp cho nhà đầu tư nắm được điểm mạnh, yếu của đối tác, vạch ra con đường kinh doanh phù hợp sau khi thực hiện M&A. Ngoài ra, để tránh các rủi ro không đáng có, như việc giá cả giao dịch không đúng với chất lượng, các rủi ro pháp lý liên quan, nhà đầu tư cần tìm một công ty tư vấn M&A uy tín và có kinh nghiệm tại Việt Nam để có thể thực hiện chuẩn bị cho mình một kế hoạch tối ưu, tốt nhất trước khi thực hiện.

Thứ Năm, 25 tháng 3, 2021

Trách nhiệm của Bên Bán trong Hợp đồng mua bán hàng hóa khi không giao đủ hàng

Giao – nhận hàng hóa là nghĩa vụ cơ bản các bên khi thực hiện Hợp đồng mua bán hàng hóa. Cụ thể, theo quy định của pháp luật, khi mua bán hàng hóa, Bên Bán phải giao hàng, chứng từ theo thỏa thuận trong hợp đồng về số lượng, chất lượng, cách thức đóng gói, bảo quản và các quy định khác trong hợp đồng. Trường hợp không có thỏa thuận cụ thể, bên bán có nghĩa vụ giao hàng và chứng từ liên quan theo quy định của Luật Thương mại. Đồng thời, Bên Mua có nghĩa vụ nhận hàng theo thoả thuận và thực hiện những công việc hợp lý để giúp bên bán giao hàng.

Trường hợp Bên Bán giao thiếu hàng thì phải giao đủ hàng theo đúng thoả thuận trong hợp đồng. Trong trường hợp Bên Bán không giao đủ hàng theo thỏa thuận thì Bên Mua có quyền mua hàng của người khác để thay thế theo đúng loại hàng hoá ghi trong hợp đồng và Bên Bán phải trả khoản tiền chênh lệch và các chi phí liên quan nếu có; có quyền tự sửa chữa khuyết tật của hàng hoá và Bên Bán phải trả các chi phí thực tế hợp lý.

Bên Mua có quyền yêu cầu phạt hợp đồng nếu trong hợp đồng có thỏa thuận. Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.

Bên cạnh đó, Bên Bán có trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi xảy ra hành vi vi phạm hợp đồng; có thiệt hại thực tế; và hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại. Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.

Trong Hợp đồng mua bán, trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Như vậy, khi Bên Bán thực hiện không đúng cam kết như trong hợp đồng (giao không đủ hàng cho Bên mua), Bên Mua có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án buộc Bên Bán phải hoàn trả số tiền hàng đã nhận (tương đương với số hàng chưa giao), tiền lãi do chậm thanh toán, tiền phạt hợp đồng, tiền bồi thường thiệt hại (do không giao hàng nên Bên Mua đã phải mua của đơn vị khác và phải trả tiền cao hơn so với giá đã thoả thuận với Bên Bán) theo quy định. Trường hợp các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì Bên Mua chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì Bên Mua có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.

Về việc xác định trách nhiệm dân sự khi vi phạm Hợp đồng mua bán, theo quy định của pháp luật, pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân. Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của mình; không chịu trách nhiệm thay cho người của pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do người của pháp nhân xác lập, thực hiện không nhân danh pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác. Người của pháp nhân không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện, trừ trường hợp luật có quy định khác. Do đó, nếu Bên Bán vi phạm hợp đồng, pháp nhân là Bên Bán phải chịu trách nhiệm trả tiền cho Bên Mua và người của pháp nhân không chịu trách nhiệm thay cho pháp nhân đó.

Tóm lại, khi giao kết Hợp đồng mua bán hàng hóa, Bên Bán cần nắm được những quy định pháp luật cơ bản về quyền và nghĩa vụ của mình, Bên Mua cũng cần biết rõ về nghĩa vụ của Bên Bán để có thể phòng ngừa rủi ro phát sinh khi một trong các bên vi phạm nghĩa vụ cơ bản của hợp đồng, từ chối chịu trách nhiệm hay cố tình đùn đẩy trách nhiệm giữa các bên.

Thứ Tư, 24 tháng 3, 2021

Tướng mạo do tâm sinh

"Tướng mạo do tâm sinh", sau 40 tuổi, nếu để tướng mạo do gen quy định, bạn thực sự thất bại không thể cứu vãn rồi!

Dù bề ngoài có thu hút cỡ nào đi nữa, tính cách một người là rất khó thay đổi, và trải qua theo năm tháng thăng trầm, nó hình thành nên giá trị của một người.

Lincoln từng nói thế này: "Khi một người bước qua tuổi 40, anh ta phải có trách nhiệm với vẻ ngoài của mình."

Trước tuổi 40, ngoại hình của chúng ta do gen di truyền, đó là quy luật tự nhiên. Nhưng sau 40 tuổi, kinh nghiệm và tâm lý mỗi người khác nhau, dẫn đến ngoại hình và khí chất cũng thay đổi rất nhiều.

Khí chất được thể hiện trên khuôn mặt và hành vi, ở một mức độ nhất định, nó còn phản ánh tính cách. Những người hay cau có và trông có vẻ căng thẳng thường rất dễ mất bình tĩnh. Những người thân thiện thường mỉm cười tự nhiên, tạo cho người đối diện cảm giác ấm áp.

Ông bà xưa có câu "Tướng mạo do tâm sinh", người có gương mặt phúc hậu, hiền hòa thường là những người có nhân phẩm tốt, lương thiện.

Dù là người bình thường, lớn lên không xinh đẹp đi nữa, chỉ cần tâm tốt, lòng nhân hậu, người khác cũng sẽ cảm thấy dễ chịu rất nhiều khi tiếp xúc với họ.

Coco Chanel từng nói: "Khuôn mặt tuổi 20 trời sinh, khuôn mặt 30 do cuộc sống khắc ghi, nhưng khuôn mặt tuổi 50 là do chính bạn lựa chọn."

Có một câu nói rất hay: "Cuốn sách bạn đã đọc, những người bạn đã yêu, và con đường bạn đã đi đều ẩn giấu trên khuôn mặt bạn."

Tại sao xã hội càng hiện đại, nhiều người càng muốn đi phẫu thuật thẩm mỹ? Suy cho cùng, ai cũng yêu cái đẹp, và họ cho rằng thẩm mỹ có thể làm cho ngoại hình của họ trở nên xinh đẹp.

Nhưng dù bề ngoài có thu hút cỡ nào đi nữa, tính cách một người là rất khó thay đổi, và trải qua theo năm tháng thăng trầm, nó hình thành nên giá trị của một người.

Giống như những đôi giày da có kiểu dáng giống hệt nhau, mang trên những đôi chân khác nhau, sẽ hiển hiện lên những hình ảnh, đường nét khác nhau. Vẻ ngoài chỉ là một tấm vải mỏng manh, nó giúp bạn kiếm được nhiều cơ hội nhất thời, nhưng không phải cả đời. Ngược lại, trí tuệ mới là thứ quyết định con đường lâu dài sau này của mỗi chúng ta.

Khi bạn đau buồn, sẽ sản sinh ra những nếp nhăn. Khi bạn vui vẻ, gương mặt sẽ bừng sáng niềm hạnh phúc. Cho nên mới nói, chỉ có sự rạng rỡ từ tận đáy lòng mới có thể nuôi dưỡng được vẻ đẹp bên ngoài lâu dài.

Nhà văn Bi Shumin từng nói: "Dao mổ của bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ không thể đấu nổi với hai con dao ngoài xã hội. Một con dao mang tên thời gian, nó sẽ cuốn trôi tác dụng của thẩm mỹ, giống như tuyết rơi khi gặp nắng xuân sẽ dần tan biến. Một con dao nữa mang tên tâm hồn, chỉ có ánh sáng từ trái tim mới nuôi dưỡng được sự hài lòng lâu dài."

Trong cuộc sống, sẽ luôn có một hiện tượng như vầy: "Lần đầu tiên nhìn thấy cảnh đẹp, ai cũng sẽ trầm trồ khen ngợi, nhưng về lâu về dài, họ lại chẳng còn hứng thú với nó nữa. Ngược lại, có những cô gái trông vẻ ngoài khá bình thường, nhưng càng tiếp xúc lâu, người ta lại càng thích và thấy họ thật đẹp..."

Nguyên nhân của hiện tượng này đa phần là do tướng mạo của người đó đã hòa vào cùng khí chất, khiến người khác càng nhìn càng cảm thấy như bị thu hút.

Người hiền lành, dễ gần sẽ khiến đối phương có cảm giác thoải mái. Những kẻ hung dữ, tâm xấu xa sẽ gây cảm giác khó chịu, và khiến chúng ta muốn tránh xa.

Ngay cả bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ cũng từng nói: "Tác dụng của phẫu thuật thẩm mỹ không phải làm một lần là hưởng lợi mãi mãi, mà vẫn phải nhờ sự thay đổi từ tâm."

Những lời nói, thói quen, cảm xúc hằng ngày mà chúng ta coi là nhỏ nhặt, tầm thường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khí chất của chúng ta sau này.

Trong sách "Lễ ký" có ghi: "Người có lòng yêu thương sẽ có tính tình hiền từ. Người hiền từ sẽ dễ nhận được niềm vui. Người luôn vui vẻ, tích cực sẽ có dung mạo xinh đẹp, dịu dàng."

Sự thay đổi trong lối suy nghĩ của một người sẽ làm thay đổi cả hành vi và ngoại hình. Chúng ta thường nói, "đất lành chim đậu", người ăn ở hiền lành cũng như thế, dễ nhận được phước báo hơn. Trái tim là sự phản ánh của ngoại cảnh, còn ngoại hình chính là "mặt tiền". Đa số chúng ta đều phản ánh cảm xúc rõ rệt nhất trên gương mặt.

Nhiều người chỉ quan tâm đến việc làm thế nào để bản thân trở nên đẹp hơn mà quên mất một điều thực tế: Người thông minh thực sự sẽ trau dồi cả vẻ đẹp tâm hồn lẫn bên ngoài. Có trí tuệ đồng hành, dung mạo mới không dễ tàn phai.

Một nghiên cứu của đại học Harvard cho thấy: Mức độ tinh thần của một người càng cao, tâm lý càng khỏe mạnh, nội tâm càng lương thiện, sẽ không dễ dàng vì cái nhìn của người khác mà làm thay đổi bản tính của mình.

Khi một người có thể đủ mạnh mẽ chịu đựng mọi điều bất hạnh trong cuộc sống, tập trung vào việc phát triển chính mình, không nghĩ đến việc trả thù, họ cũng chính là người tử tế nhất, thông minh nhất.

Chúng ta thường ngắm người đẹp, nhưng tiêu chuẩn để kết giao đa số luôn là tốt bụng và trung thực. Thế nên "túi da" bên ngoài chỉ giúp bạn thu hút người khác nhất thời, thái độ và tính cách tốt mới là thứ giúp ít lâu dài cho chúng ta.

Hoàn cảnh có thể thay đổi tính cách của một người, muốn thay đổi và trau dồi bản thân, nên thông qua việc tu dưỡng nhiều hơn từ trái tim, như thế mới mau gặt hái được cuộc sống hạnh phúc.

Nguồn: Cafebiz

Thứ Ba, 23 tháng 3, 2021

Quy định về mở tài khoản thanh toán của cá nhân bằng phương thức điện tử

Quy định về mở tài khoản thanh toán của cá nhân bằng phương thức điện tử


Ngày 04 tháng 12 năm 2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 16/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19 tháng 8 năm 2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã bổ sung hướng dẫn mở tài khoản thanh toán của cá nhân bằng phương thức điện tử.

Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử phải xây dựng, ban hành, công khai quy trình, thủ tục mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử phù hợp với quy định của pháp luật, bao gồm tối thiểu các bước như sau: thu thập thông tin về hồ sơ mở tài khoản thanh toán theo quy định; thực hiện kiểm tra, đối chiếu và xác minh thông tin nhận biết khách hàng; cảnh báo cho khách hàng về các hành vi không được thực hiện trong quá trình mở và sử dụng tài khoản thanh toán được mở bằng phương thức điện tử; cung cấp cho khách hàng nội dung thỏa thuận mở và sử dụng tài khoản thanh toán theo quy định và thực hiện giao kết thỏa thuận mở và sử dụng tài khoản thanh toán với khách hàng; thông báo số hiệu, tên tài khoản thanh toán, hạn mức giao dịch qua tài khoản thanh toán và ngày bắt đầu hoạt động của tài khoản thanh toán cho khách hàng.

Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài căn cứ điều kiện công nghệ để đánh giá rủi ro, xác định phạm vi sử dụng và quyết định áp dụng hạn mức giao dịch qua tài khoản thanh toán của khách hàng mở bằng phương thức điện tử nhưng phải đảm bảo tổng hạn mức giá trị giao dịch (ghi Nợ) qua các tài khoản thanh toán của khách hàng đó không vượt quá 100 triệu đồng/tháng/khách hàng.

Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quyết định áp dụng hạn mức giao dịch qua tài khoản thanh toán mở bằng phương thức điện tử cao hơn hạn mức trên đối với một trong các trường hợp sau: ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng giải pháp cuộc gọi ghi hình (video call) để thực hiện thu thập, kiểm tra, xác minh thông tin nhận biết khách hàng trong quá trình mở tài khoản thanh toán đảm bảo hiệu quả như quy trình nhận biết, xác minh thông tin khách hàng qua phương thức gặp mặt trực tiếp; ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng công nghệ để kiểm tra, đối chiếu đặc điểm sinh trắc học của khách hàng với dữ liệu sinh trắc học công dân thông qua cơ sở dữ liệu căn cước công dân; sau khi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã thực hiện việc nhận biết, xác minh thông tin khách hàng thông qua gặp mặt trực tiếp chủ tài khoản; các giao dịch chuyển tiền để gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn bằng phương thức điện tử cho chính chủ tài khoản tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó; các trường hợp ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được chủ động trích Nợ tài khoản thanh toán của khách hàng theo quy định.

Việc mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử quy định tại Điều này không áp dụng đối với tài khoản thanh toán chung, khách hàng cá nhân là người nước ngoài; người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự; người chưa đủ 15 tuổi, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người đại diện theo pháp luật; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người giám hộ.

Thứ Hai, 22 tháng 3, 2021

Biểu thuế ưu đãi xuất nhập khẩu theo EVFTA giai đoạn 2020-2022

Ngày 18 tháng 9 năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2020/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (Hiệp định EVFTA) giai đoạn 2020 – 2022.

Theo đó, Nghị định quy định Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định EVFTA và điều kiện được hưởng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định này. Cụ thể:

Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này gồm mã hàng, mô tả hàng hóa, thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi theo các giai đoạn khi xuất khẩu sang lãnh thổ theo quy định tại Hiệp định EVFTA, bao gồm: Lãnh thổ thành viên Liên minh châu Âu; Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len đối với từng mã hàng.

Hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam được áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi theo quy định phải đáp ứng đủ các điều kiện sau: được nhập khẩu vào các lãnh thổ theo quy định tại Hiệp định EVFTA, bao gồm: Lãnh thổ thành viên Liên minh châu Âu, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len; có chứng từ vận tải (bản sao) thể hiện đích đến là các lãnh thổ nêu trên; có tờ khai hải quan nhập khẩu của lô hàng xuất khẩu có xuất xứ Việt Nam nhập khẩu vào các lãnh thổ nêu trên (bản sao và bản dịch tiếng Anh hoặc tiếng Việt trong trường hợp ngôn ngữ sử dụng trên tờ khai không phải là tiếng Anh).

Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định EVFTA quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này gồm mã hàng, mô tả hàng hóa, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các giai đoạn được nhập khẩu từ lãnh thổ thành viên Liên minh châu Âu; Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len; Công quốc An-đô-ra; Cộng hòa San Ma-ri-nô và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước) đối với từng mã hàng.

Hàng hóa nhập khẩu được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định EVFTA phải đáp ứng đủ các điều kiện sau: thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này; được nhập khẩu vào Việt Nam từ lãnh thổ thành viên Liên minh châu Âu; Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len; Công quốc An-đô-ra; Cộng hòa San Ma-ri-nô; và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước); đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa và có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá theo quy định của Hiệp định EVFTA.

Các quy định tại Nghị định này chỉ áp dụng đối với hàng hoá được xuất khẩu từ Việt Nam vào Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len và hàng hóa được nhập khẩu vào Việt Nam từ Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len trong giai đoạn kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2020 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Thứ Năm, 18 tháng 3, 2021

Lợi thế thu hút đầu tư FDI của Việt Nam

Trong giai đoạn nhiều nước trên thế giới và trong khu vực cạnh tranh khốc liệt về thu hút vốn FDI, đặc biệt khi làn sóng đa dạng hóa chuỗi cung ứng sau dịch Covid-19 đang gia tăng mạnh, Việt Nam được coi là một trong những quốc gia có nhiều lợi thế thu hút nhiều vốn FDI nhất tại Đông Nam Á.

Việt Nam là một quốc gia Đông Nam Á với nền kinh tế phát triển nhanh, chính trị ổn định, dân số trẻ, lao động dồi dào chi phí cạnh tranh so với các quốc gia khác trong khu vực. Bên cạnh những cái tên khác như Thái Lan, Singapore, Philippines, Indonesia, Malaysia, mỗi quốc gia đều có một lợi thế khác nhau nhằm thu hút các doanh nghiệp FDI từ Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ,… Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là điểm đến mong đợi của nhiều nhà đầu tư.

Với vị thế là một quốc gia giáp biển, có hệ thống cảng biển quốc tế rộng khắp cả nước, Việt Nam có vị thế vượt trội hơn hẳn trong việc giao thương, trao đổi hàng hóa với các nước khác. Với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển hệ thống cảng biển, sân bay quốc tế, Việt Nam đang dần trở thành điểm đến của các nhà đầu tư quốc tế. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng Việt Nam phát triển tương đối đồng đều giữa các khu vực, không quá chênh lệch giữa các vùng miền, vì vậy nhà đầu tư có thể thoải mái lựa chọn địa điểm đầu tư phù hợp cho mình.

Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ ở Đông Nam Á, là quốc gia có chi phí nhân công thuộc mức thấp nhất Đông Nam Á, nguồn nhân công ở Việt Nam được đào tạo đầy đủ kỹ năng theo nhiều lĩnh vực khác nhau. Không những vậy, nhân công ở Việt Nam đang dần cải thiện khả năng ngoại ngữ, để có thể đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư quốc tế, điều này sẽ giúp nhà đầu tư dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực phù hợp. Nguồn nhân lực tại Việt Nam không chỉ giúp cho các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam mà còn đủ trình độ để thực hiện cho các dự án của các nhà đầu tư tại nhiều quốc gia khác.

Ngoài ra, Việt Nam là một quốc gia có chính trị ổn định trong khu vực, không có sự phân biệt, cạnh tranh hay đảo chính trong các Đảng phái, vì vậy nhà đầu tư có thể yên tâm thực hiện đầu tư tại Việt Nam. Bên cạnh đó, văn hóa Việt Nam có nhiều nét tương đồng với Nhật Bản và Hàn Quốc, vì vậy nhiều nhà đầu tư có thể thực hiện đầu tư mà không lo sự khác biệt về văn hóa sẽ ảnh hưởng tới việc thực hiện dự án.

Trong thời điểm chi phí kinh doanh của các nước trong khu vực ngày càng tăng, nhu cầu dịch chuyển đầu tư của nhà đầu tư quốc tế đang phát triển mạnh, Việt Nam cần nắm lấy cơ hội, cải thiện cơ sở hạ tầng, tạo sự thông thoáng về chính sách, giúp cho nhà đầu tư để có thể thu hút tối đa những nhà đầu tư FDI chất lượng thực hiện đầu tư, thành lập công ty, xin giấy phép đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, rót vốn vào sản xuất, tuyển dụng nhân sự bản địa…

Đà Nẵng khẩn trương triển khai giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Ngày 14 tháng 9 năm 2020, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng (“UBND Thành phố”) ban hành Công văn số 6125/UBND-SKHĐT liên quan đến kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo đó, UBND thành phố đề nghị các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp do ngành, đơn vị, địa phương đang triển khai thực hiện, tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để các doanh nghiệp có nhu cầu dễ dàng tiếp cận thông tin và thụ hưởng chính sách.

Đối với những chính sách thuộc thẩm quyền điều chỉnh của Trung ương đang được các đơn vị triển khai thực hiện có các quy định về đối tượng, tiêu chí, điều kiện áp dụng còn nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, không có nhiều doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện để được hưởng chính sách, đề nghị các đơn vị nghiên cứu, có kiến nghị cụ thể với Trung ương để kịp thời điều chỉnh, bảo đảm chính sách được triển khai có hiệu quả trên thực tế; chủ động có văn bản gửi đến các hội, hiệp hội doanh nghiệp để các hội được nắm thông tin đầy đủ, làm cơ sở phổ biến đến các doanh nghiệp hội viên.

Đối với chính sách hỗ trợ về lãi vay và chính sách hỗ trợ cấp bách cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng do Covid-19, đề nghị Sở Tài chính, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Cục Thuế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – chi nhánh Đà Nẵng, Bảo hiểm Xã hội thành phố, Quỹ Đầu tư và Phát triển thành phố và các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện để hỗ trợ doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn và ổn định sản xuất, kinh doanh.

Như vậy, thành phố Đà Nẵng đã và đang thực hiện nhiều chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn; đặc biệt, trong bối cảnh vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế như hiện nay.

Thứ Hai, 15 tháng 3, 2021

Phân biệt tiền đặt cọc và tiền trả trước

Trong hoạt động thương mại, việc một bên giao cho bên còn lại một khoản tiền trước khi việc thực hiện hợp đồng xảy ra rất phổ biến. Vậy khoản tiền này khi nào được coi là tiền đặt cọc, khi nào được coi là tiền trả trước.

Đặt cọc là là một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015, đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Như vậy, mục đích của tiền đặt cọc là để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng. Vì bản chất là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, quy định về đặt cọc cũng đặt ra chế tài trong trường hợp có bên từ chối thực hiện giao kết.

Dựa trên thực tế, trả trước được hiểu là bên có nghĩa vụ trả trước bên có quyền một khoản tiền. Khoản tiền này được xem như là việc thực hiện trước nghĩa vụ thanh toán. Vì bản chất của trả trước không phải là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, trả trước sẽ không sinh ra khoản tiền phạt nào trong trường hợp có bên từ chối thực hiện giao kết hay thực hiện tiếp hợp đồng. Một điểm đáng lưu ý cuối cùng là trường hợp một bên trong hợp đồng giao cho bên kia một khoản tiền mà các bên không xác định rõ là tiền đặt cọc hoặc tiền trả trước thì số tiền này được coi là tiền trả trước.

Nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo doanh nghiệp Việt

Hiện nay, Việt Nam đã thực hiện ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới, điều này giúp việc giao lưu kinh tế quốc tế trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, việc mở rộng thương mại quốc tế cũng khiến nhiều doanh nghiệp gặp rủi ro khi gặp những khách hàng gian lận trong kinh doanh.

Theo thông tin của Bộ Công Thương, trong năm 2020, Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại mọt số nước liên tục nhận đươc lời mời chào bán, mua hàng, ký kết hợp đồng giao dịch thương mại có dấu hiệu lừa đảo, gian lận, lừa đảo từ một số doanh nghiệp có trụ sở tại nước ngoài.

Mặc dù đã có nhiều cảnh báo, lưu ý, tuy nhiên do tâm lý chủ quan, lợi nhuận cao, nghiệp vụ ngoại thương hạn chế, không tìm hiểu kỹ khách hàng, khó khăn do dịch bệnh nên nhiều doanh nghiệp không thể trực tiếp gặp, kiểm tra hàng hóa,… chuyển hướng qua giao dịch online, điều này đã khiến các doanh nghiệp lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Một số hình thức gian lận thương mại như: Giao hàng không trả tiền; Làm giả giấy tờ, thậm chí là giấy tờ ngân hàng để lấy hàng, cài người lấy chứng từ xuất khẩu; Sử dụng hacker xâm nhập địa chỉ email của 02 bên doanh nghiệp đang có giao dịch, theo dõi tiến trình đàm phàn. Khi bên mua chuẩn bị chuyển tiền mua hàng hóa thì hack hòm thư email (hoặc tạo 1 tài khoản email có địa chỉ gần giống tuyệt đối với email của bên bán) để gửi thông tin tài khoản lừa đảo. Sau khi bên mua chuyển tiền vào tài khoản lừa đảo, đối tượng sẽ ngay lập tức rút tiền và biến mất; Lợi dụng sự bất cẩn, thiếu chuyên nghiệp của các doanh nghiệp trong nước như không yêu cầu tổ chức giám định có uy tín kiểm tra hàng trước khi giao hàng, không thẩm định các thông tin về doanh nghiệp đối tác, không có người của phía Việt Nam sang để làm việc… để chuyển hàng không giá trị, không đúng hợp đồng, hoặc thông báo hàng hỏng, kém chất lượng để ép giá, trừ nợ hoặc đòi bồi thường…

Một số dấu hiệu nhận biết lừa đảo các doanh nghiệp cần lưu ý như: Việc đàm phán giá cả, hợp đồng diễn ra dễ dàng, nhanh chóng, ít đàm phán mặc cả, chấp nhận giá cao; Bắt đặt cọc để nhận khoản tiền đầu tư; Không cung cấp hoặc các giấy tờ cung cấp của nhiều pháp nhân khác nhau; Mở L/C tại ngân hàng không uy tín của nước thứ 3; Giấy phép kinh doanh sắp hết hạn…

Để tránh làm việc với các doanh nghiệp lừa đảo, các doanh nghiệp trong nước cần nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật của mình, cần tìm hiểu kỹ đối tác trước khi thực hiện giao dịch nhất là đối tác mới giao dịch lần đầu.

Giá cả các loại hàng hóa hiện nay đều được cập nhật rõ ràng qua thông tin thị trường hoặc trên các trang web hàng hóa quốc tế. Vì vậy, khi có đơn hỏi hàng hóa trả giá quá cao, hoặc quá thấp so với mặt bằng, doanh nghiệp cần hết sức lưu ý và kiểm tra kỹ độ tin cậy.

Thứ Năm, 11 tháng 3, 2021

Việt Nam thu hút đầu tư năng lượng sạch

Sáng ngày 22/7/2020, Diễn đàn cấp cao về phát triển Năng lượng Quốc gia 2020 đã diễn ra cùng lúc nhiều hoạt động ký kết đầu tư giữa các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng của Việt Nam, khu vực cũng như thế giới, mở ra thời kỳ phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam một cách mạnh mẽ và bền vững.

Tại diễn đàn, những dự án đã được ký kết bao gồm: dự án nhà máy điện khí tại Cà Ná – tỉnh Ninh Thuận, dự án phát triển nhà máy điện khí tại Khu kinh tế Chân Mây – tỉnh Thừa Thiên Huế, dự án điện gió ngoài khơi La Gàn – tỉnh Bình Thuận.

Nổi bật nhất trong đó chính là dự án điện gió ngoài khơi La Gàn thuộc tỉnh Bình Thuận với tổng vốn đầu tư lên đến 10 tỷ USD. Theo đó, Tập đoàn Copenhagen Infrashtructure Partners (CIP), thay mặt Quỹ thị trường Mới I, cùng với Asiapetro và Novasia Energy đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với UBND tỉnh Bình Thuận về phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn, tỉnh Bình Thuận. Với chi phí vốn lên đến 10 tỷ USD, dự án dược kỳ vọng sẽ tạo ra nguồn thu nhập và việc làm đáng kể cho tỉnh Bình Thuận và Việt Nam, phát huy hết tiềm năng phát triển năng lượng gió tại Việt Nam.

Đối với dự án nhà máy điện khí LNG Chân Mây (tại tỉnh Thừa Thiên-Huế) với tổng số tiền đầu tư tầm 6 tỷ USD, hợp tác giữa hai quốc gia Mỹ và Việt Nam. Khi đưa vào hoạt động, hằng năm, nhà máy sẽ cung cấp sản lượng điện trung bình từ 24 đến 25kWh. Đồng hành cùng dự án là các chương trình hỗ trợ của Chính phủ Mỹ cho các dự án đầu tư tư nhân của công dân Mỹ ở nước ngoài, cùng các đối tác hàng đầu thế giới về tài chính, công nghệ, vận hành, cung cấp khí (nguồn được đảm bảo từ Hoa Kỳ) và quản trị doanh nghiệp: U.S Development Finance Corporation, U.S.Asia EDGE, Ngân hàng thế giới, U.S EXIM Bank, GE Gas Power… giúp góp phần tăng trưởng quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mỹ.

Bên cạnh các nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư trong nước cũng đang quan tâm tới việc phát triển năng lượng sạch như dự án điện khí tại Cà Ná và dự án phát triển điện mặt trời Phú Mỹ tại Bình Định với vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng.

Với việc phát triển những dự án năng lượng sạch, Việt Nam mong muốn nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế thực hiện đầu tư nhiều hơn nữa thông qua việc lập công ty tại Việt Nam, xin cấp giấy phép đầu tư, đăng ký kinh doanh, hoặc mua lại phần vốn góp trong các công ty tại Việt Nam, trong lĩnh vực năng lượng sạch, rót nguồn vốn mới, để có thể phát huy hết khả năng của Việt Nam trong lĩnh vực này. Ngoài ra, đem lại nguồn lợi kinh tế lớn cho nhà đầu tư và góp phần bảo vệ môi trường, phát triển năng lượng sạch một cách bền vững trong tương lai.

Các trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động kể từ năm 2021

Ngày 30 tháng 12 năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Trong đó, quy định người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động gồm:

Người lao động là chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên; Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên;

Người lao động di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới, bao gồm: kinh doanh, thông tin, xây dựng, phân phối, giáo dục, môi trường, tài chính, y tế, du lịch, văn hóa giải trí và vận tải;

Người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại;

Người lao động vào Việt Nam làm việc tại vị trí nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật có thời gian làm việc dưới 30 ngày và không quá 03 lần trong 01 năm;

Người lao động vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để thực hiện chào bán dịch vụ;

Người lao động vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để xử lý sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức tạp nảy sinh làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh mà các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở Việt Nam không xử lý được;

Luật sư nước ngoài đã được cấp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của Luật Luật sư; Người lao động được Bộ Ngoại giao cấp giấy phép hoạt động thông tin, báo chí tại Việt Nam theo quy định của pháp luật; Người được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận người lao động nước ngoài vào Việt Nam để giảng dạy, nghiên cứu;

Người lao động vào Việt Nam để cung cấp dịch vụ tư vấn về chuyên môn và kỹ thuật hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác phục vụ cho công tác nghiên cứu, xây dựng, thẩm định, theo dõi đánh giá, quản lý và thực hiện chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) theo quy định hay thỏa thuận trong các điều ước quốc tế về ODA đã ký kết giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và nước ngoài;

Người lao động được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cử sang Việt Nam giảng dạy, nghiên cứu tại trường quốc tế thuộc quản lý của cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc Liên hợp quốc; các cơ sở, tổ chức được thành lập theo các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết, tham gia;

Người lao động vào Việt Nam thực hiện thỏa thuận quốc tế mà cơ quan, tổ chức ở Trung ương, cấp tỉnh ký kết theo quy định của pháp luật;

Người có hộ chiếu công vụ vào làm việc cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị– xã hội;

Thân nhân thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam;

Trường hợp theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

Trưởng văn phòng đại diện, dự án hoặc chịu trách nhiệm chính về hoạt động của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam;

Người lao động là tình nguyện viên;

Học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường, cơ sở đào tạo ở nước ngoài có thỏa thuận thực tập trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam; học viên thực tập, tập sự trên tàu biển Việt Nam;

Người lao động là người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam và sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.

So với quy định tại Nghị định 11/2016/NĐ-CP, bổ sung thêm trường hợp người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại không thuộc trường hợp cấp giấy phép lao động. Bên cạnh đó, chỉ chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn; Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần phải có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên được xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động.

Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2021.

Xử phạt hành vi để, đổ vật liệu xây dựng không đúng nơi quy định

Để, đổ vật liệu xây dựng trái quy định gây ra những ảnh hưởng, tác động xấu đến trật tự, an toàn xã hội thì các cá nhân, tổ chức phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Căn cứ vào Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở,  đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không che chắn hoặc có che chắn nhưng để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống các khu vực xung quanh hoặc để vật liệu xây dựng không đúng nơi quy định xử phạt như sau:

i) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng;

ii) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ hoặc công trình xây dựng khác không thuộc trường trên ;

Căn cứ tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 20 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định: Đối với người điều khiển xe đổ trái phép rác, đất, cát, đá, vật liệu, chất phế thải trong phạm vi đất dành cho đường bộ ở đoạn đường ngoài đô thị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng; Đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi đổ trái phép rác, đất, cát, đá, vật liệu, chất phế thải ra đường phố phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng .

Tại Khoản 6 Điều 12 Nghị định này quy định phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Đổ, để trái phép vật liệu, chất phế thải trong phạm vi đất dành cho đường bộ, trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 20 nêu trên.

Đối với các hành vi nghiêm trọng hơn được quy định tại Điều 261 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) trường hợp người nào đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép công trình giao thông đường bộ; đặt, để, đổ trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, vật sắc nhọn, chất gây trơn hoặc chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá hủy biển báo hiệu, đèn tín hiệu, cọc tiêu, gương cầu, dải phân cách hoặc thiết bị an toàn giao thông đường bộ khác; mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có dải phân cách; sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy, hành lang an toàn đường bộ hoặc vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Tại đèo, dốc, đường cao tốc hoặc đoạn đường nguy hiểm; Làm chết 02 người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: Làm chết 03 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. Ngoài ra, cản trở giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các trường hợp vừa nêu, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm”.

Nguồn: luatsu1900

Chứng mình thư nhân dân và những điều cần biết

Nghị định của chính phủ số 05/1999/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 1999 về chứng minh nhân dân theo đó chứng minh nhân dân (CMND) là một loại giấy tờ tùy thân của công dân do cơ quan Công an có thẩm quyền chứng nhận về những đặc điểm riêng và nội dung cơ bản của mỗi công dân trong độ tuổi do pháp luật quy định, nhằm bảo đảm thuận tiện việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong đi lại và thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

Căn cứ theo điểm 1 Mục I Thông tư của Bộ Công an số 04/1999/TT-BCA(C13) ngày 29 tháng 4 năm 1999 hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 3 tháng 2 năm 1999 của chính phủ về chứng minh nhân dân quy định đối tượng được cấp CMND là những người bao gồm: Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên, cơ sở để tính tuổi theo ngày, tháng, năm sinh ghi trong hộ khẩu hoặc giấy khai sinh; Công dân Việt Nam đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam được hiểu là công dân đó đang sinh sống, làm việc, học tập… tại một địa chỉ xác định trên lãnh thổ Việt Nam;

Việc kiểm tra Chứng minh nhân dân tại Điều 9 Nghị định 05/1999 quy định: Cán bộ, công chức và những người của các cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ bảo vệ, giải quyết công việc có liên quan đến công dân được quyền yêu cầu công dân xuất trình Chứng minh nhân dân trước khi giải quyết công việc. Cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân và công an xã trong khi làm nhiệm vụ được quyền kiểm tra, kiểm soát Chứng minh nhân dân của công dân tại nơi công cộng hoặc phạm vi địa bàn quản lý.

Về thẩm quyền thu hồi, tạm giữ Chứng minh nhân dân theo quy định tại Điều 11 Nghị định 05/1999 NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 106/2013/NĐ-CP quy định như sau:

i) Cơ quan Công an nơi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân có thẩm quyền thu hồi chứng minh nhân dân trong các trường hợp bị tước hoặc thôi quốc tịch Việt Nam; ra nước ngoài định cư;

ii) Những người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo Luật xử lý vi phạm hành chính có quyền tạm giữ Chứng minh nhân dân của những công dân có hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;

iii) Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi công dân có hộ khẩu thường trú, cơ quan thi hành lệnh tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có thẩm quyền tạm giữ Chứng minh nhân dân của những công dân theo quy định pháp luật.

 

Lưu ý đối với hành vi sử dụng chứng minh nhân dân của người khác để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng căn cứ theo quy định của pháp luật tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định 167/2013/NĐ-CP

Ngoài ra, theo quy định pháp luật, công dân, tổ chức có quyền khiếu nại, tố cáo cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về việc cấp, quản lý và sử dụng Chứng minh nhân dân. Các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền khi nhận được khiếu nại, tố cáo phải có trách nhiệm giải quyết theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Nguồn: luatsu1900

 

 

Thứ Tư, 10 tháng 3, 2021

Quy định về công tác phí trong doanh nghiệp

Còn từ ngày 06/08/2015, quy định về khoản chi công tác phí cho người lao động đi công tác được quy định tại khoản 2.9 điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC Hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 của chính phủ quy định chi tiết thi hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế và sửa đổi bổ sung một số điều của các nghị định về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014, Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014, Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính, cụ thể như sau:

Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm có chi phụ cấp tàu xe đi nghỉ phép không đúng theo quy định của Bộ Luật Lao động:

Chi phụ cấp cho người lao động đi công tác, chi phí đi lại và tiền thuê chỗ ở cho người lao động đi công tác nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Trường hợp doanh nghiệp có khoán tiền đi lại, tiền ở, phụ cấp cho người lao động đi công tác và thực hiện đúng theo quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của doanh nghiệp thì được tính vào chi phí được trừ khoản chi khoán tiền đi lại, tiền ở, tiền phụ cấp.

Trường hợp doanh nghiệp cử người lao động đi công tác (bao gồm công tác trong nước và công tác nước ngoài) nếu có phát sinh chi phí từ 20 triệu đồng trở lên, chi phí mua vé máy bay mà các khoản chi phí này được thanh toán bằng thẻ ngân hàng của cá nhân thì đủ điều kiện là hình thức thanh toán không dùng tiền mặt và tính vào chi phí được trừ nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

i) Có hóa đơn, chứng từ phù hợp do người cung cấp hàng hóa, dịch vụ giao xuất;

ii) Doanh nghiệp có quyết định hoặc văn bản cử người lao động đi công tác;

iii) Quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của doanh nghiệp cho phép người lao động được phép thanh toán khoản công tác phí, mua vé máy bay bằng thẻ ngân hàng do cá nhân là chủ thẻ và khoản chi này sau đó được doanh nghiệp thanh toán lại cho người lao động.

Trường hợp doanh nghiệp có mua vé máy bay qua website thương mại điện tử cho người lao động đi công tác để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì chứng từ làm căn cứ để tính vào chi phí được trừ là vé máy bay điện tử, thẻ lên máy bay (boarding pass) và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt của doanh nghiệp có cá nhân tham gia hành trình vận chuyển. Trường hợp doanh nghiệp không thu hồi được thẻ lên máy bay của người lao động thì chứng từ làm căn cứ để tính vào chi phí được trừ là vé máy bay điện tử, quyết định hoặc văn bản cử người lao động đi công tác và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt của doanh nghiệp có cá nhân tham gia hành trình vận chuyển.

Như vậy, công tác phí được tính vào chi phí hợp lý hợp lệ được trừ, Doanh nghiệp cần có bộ hồ sơ bao gồm như: Quyết định cử đi công tác (giấy điều động đi công tác): Nêu rõ cán bộ được cử đi, nội dung, thời gian, phương tiện; Giấy đi đường có xác nhận của Doanh nghiệp cử đi công tác (ngày đi, ngày về) và nơi được cử đến công tác (ngày đến, ngày đi) hoặc xác nhận của nhà khách nơi lưu trú; Các chứng từ, hóa đơn trong quá trình đi lại: Có thể là vé máy bay, vé tàu xe, hóa đơn phòng nghỉ, hóa đơn taxi,….

Nguồn: luatsu1900