Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2020

Các trường hợp không được chứng thực chữ ký

Từ ngày 20/4/2020, Thông tư 01/2020/TT-BTP hướng dẫn Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch đã có hiệu lực, trong đó có những quy định cụ thể giải thích về hoạt động chứng thực và các trường hợp không được chứng thực chữ ký.

1. Chứng thực chữ ký là gì?

Căn cứ theo Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP quy định về chứng thực chữ ký như sau: Việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người yêu cầu chứng thực.

2. Trường hợp không được chứng thực chữ ký

Theo Điều 25 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP, quy định về các trường hợp không được chứng thực chữ ký, theo đó các trường hợp sau đây không được chứng thực chữ ký:

Tại thời điểm chứng thực, người yêu cầu chứng thực chữ ký không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.

Người yêu cầu chứng thực chữ ký xuất trình Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu không còn giá trị sử dụng hoặc giả mạo.

Giấy tờ, văn bản mà người yêu cầu chứng thực ký vào có nội dung quy định tại Khoản 4 Điều 22 của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP quy định: “Bản chính có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội; tuyên truyền, kích động chiến tranh, chống chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử của dân tộc Việt Nam; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức; vi phạm quyền công dân”

Giấy tờ, văn bản có nội dung là hợp đồng, giao dịch, trừ các trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 4 Điều 24 của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP hoặc trường hợp pháp luật có quy định khác như sau: Chứng thực chữ ký của nhiều người trong cùng một giấy tờ, văn bản; Chứng thực chữ ký của người khai lý lịch cá nhân; Chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập theo quy định của pháp luật; Chứng thực chữ ký trong Giấy ủy quyền đối với trường hợp ủy quyền không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản.

3. Áp dụng trong trường hợp đặc biệt

Căn cứ vào Điều 26 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP về áp dụng trong trường hợp đặc biệt thì trường hợp chứng thực điểm chỉ được áp dụng khi người yêu cầu chứng thực chữ ký không ký được và trường hợp người yêu cầu chứng thực không thể ký, điểm chỉ được.

 

Trường hợp này áp dụng như đối với thủ tục chứng thực chữ ký (Điều 23 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP), trách nhiệm của người yêu cầu chứng thực chữ ký và người thực hiện chứng thực chữ ký (Điều 24 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP); trường hợp không được chứng thực chữ ký (Điều 24 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP).

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về các trường hợp không thể thực hiện chứng thực chữ ký. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn hoặc hỗ trợ chi tiết.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét