Thứ Năm, 1 tháng 6, 2023

Cha mẹ có quyền yêu cầu ly hôn thay cho con không?

Cha mẹ có quyền yêu cầu ly hôn thay cho con không?

Theo Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 có quy định ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Vậy ai là người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn?


Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau: "Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi".

Như vậy, ngoài vợ, chồng có quyền yêu cầu ly hôn thì còn có một chủ thể khác không phải là vợ, chồng nhưng cũng có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp đặc biệt. Đó là cha, mẹ hoặc người thân thích khác. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ. Phải đồng thời có cả hai yếu tố trên thì cha, mẹ, người thân thích mới có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

Nguyên tắc của Luật Hôn nhân và gia đình là: "Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng". Do đó, quyền kết hôn là quyền nhân thân mà bắt buộc hai bên nam nữ phải tự mình thực hiện, không thể chuyển giao cho người khác, không được thực hiện uỷ quyền. Về cơ bản, ly hôn cũng vậy, là quyền nhân thân mà không ai có thể xâm phạm, thay thế. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho bên vợ hoặc chồng khi họ bị mất năng lực hành vi dân sự, cũng là để bảo vệ cho họ không vì mất năng lực hành vi dân sự mà bị xâm phạm đến quyền nhân thân, đến sức khoẻ, tính mạng của mình, pháp luật cho phép chủ thể là cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Toà án giải quyết ly hôn khi vợ/ chồng mất năng lực hành vi dân sự mà còn là nạn nhân của bạo lực gia đình, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tinh thần của họ.

Tóm lại, về cơ bản, cha mẹ không có quyền yêu cầu ly hôn thay cho con, trường hợp duy nhất cha mẹ có thể yêu cầu ly hôn thay con là khi người con vừa bị mất năng lực hành vi dân sự vừa là nạn nhân của bạo lực gia đình.

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về việc bố mẹ có quyền yêu cầu ly hôn thay cho con không. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn hoặc hỗ trợ chi tiết.

For Clients Speaking English

ANT Lawyers is an international law firm in Vietnam with English speaking lawyers, located in the business centers of Hanoi, Danang and Ho Chi Minh City with international standards, recognized by IFLR1000. We are Vietnam exclusive member of Prae Legal, an international law firm network, providing full ranges of legal services.

Please contact us via email ant@antlawyers.vn or call our office at +84 28 730 86 529 for legal service in Vietnam.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét