Tặng quà là cách thể hiện tình cảm phổ biến của các cặp đôi yêu nhau. Tùy vào hoàn cảnh, cá tính của mỗi người mà quà có thể là những món đồ giá trị nhỏ đến tài sản giá trị lớn như nhà cửa, xe cộ, tiền bạc…
Cũng vì thế khi "cơm không lành, canh không ngọt", nhiều cặp đôi đã tìm cách đòi lại quà. Tuy nhiên, việc đòi quà cũng có thể đem lại nhiều rắc rối, rủi ro cho cả hai bên.
Dùng vũ lực để "đòi quà"
Mới đây, Công an quận Thủ Đức, TP.HCM đã lập hồ sơ điều tra vụ "chia tay đòi quà" có dấu hiệu cướp tài sản xảy ra ở phường Bình Chiểu sáng 21-3.
Theo thông tin ban đầu, giữa năm 2018, chị Tr. (28 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang, tạm trú quận Thủ Đức) và T. (28 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, tạm trú tỉnh Bình Dương) có mối quan hệ yêu đương. Trong thời gian quen nhau, T. có mua cho chị Tr. chiếc điện thoại di động và xe máy.
Sau đó, hai người phát sinh mâu thuẫn và chia tay. Thấy chị Tr. muốn chấm dứt mối quan hệ nên T. đòi lại chiếc điện thoại di động và xe máy đã mua cho Tr.
Đến sáng 21-3, T. đi cùng với nhiều người khác đến nhà trọ chị Tr. đánh chị Tr. và lấy lại điện thoại di động và xe máy.
Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng làm rõ. Tuy nhiên, câu chuyện trên đã khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: vậy ứng xử khi chia tay thế nào để không phạm luật?
Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM), trong quan hệ xã hội, cả nam và nữ thể hiện tình cảm tặng quà cho nhau là việc bình thường. Khi đã tặng rồi thì vật phẩm đó thuộc sở hữu của người được tặng.
Dù bất cứ trường hợp nào, chia tay hay không, thì lúc này tài sản đã thuộc sở hữu của người được tặng. Người tặng không có quyền ngang nhiên lấy lại tài sản dưới bất cứ hành vi nào.
Trong trường hợp trên, nếu sự việc đúng là T. ngang nhiên vào nơi ở của Tr., dùng vũ lực đánh chị Tr. rồi lấy điện thoại đi dộng đang để trên giường, nhóm người đi cùng T. tiếp tục lấy chiếc xe máy mà chị Tr. để trước cửa phòng trọ thì hành vi nêu trên xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của cá nhân của Tr. Ngoài ra còn xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của chị Tr. thì pháp luật điều chỉnh trường hợp này.
Theo luật sư Tuấn, cho dù chiếc xe đứng tên anh T. thì hành vi cũng cấu thành tội cướp đối với chiếc điện thoại di động.
Khó chứng minh quà tặng
Đồng ý kiến, luật sư Trần Bá Học (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng cho rằng qua diễn biến, nhận thấy những tài sản đó trước đây của nam thanh niên đã tặng cho bạn gái thì quyền sở hữu đã thuộc về cô gái. Thanh niên này đến dùng vũ lực để "đòi" lại là có dấu hiệu hình sự.
Vấn đề đặt ra là làm sao để chứng minh tài sản này là quà tặng hay được cho mượn?
Theo luật sư Học, đối với chiếc điện thoại, anh T. đã mua nhưng đã cho bạn gái thì tài sản này thuộc sở hữu của người bạn gái. Đây là tài sản không bắt buộc phải đăng ký nên khi đã cho thì thuộc sở hữu của người được cho.
Thông thường khi đang yêu đương thì người ta mua quà tặng, cho, không ai viết biên nhận nên khi chia tay việc xác định tài sản này là quà tặng hay cho mượn… rất phức tạp.
Đối với những tài sản không phải đăng ký, việc chứng minh đây là quà tặng có thể thể hiện qua tin nhắn giữa hai người. Ngoài ra, việc chứng minh đã cho, tặng dựa vào các chứng cứ khác như lời khai của những người liên quan, người làm chứng…
Còn đối với các tài sản bắt buộc phải đăng ký như nhà cửa, xe cộ... nếu người tặng, cho nhưng không làm giấy sang tên, tặng cho, thì theo quy định phải đăng ký sang tên mới xác lập quyền sở hữu.
Còn nếu chưa sang tên thì chưa chuyển giao nên có cơ sở để xác định tài sản đó vẫn còn quyền sở hữu của người tặng. Việc nhắn tin chưa thể khẳng định chắc chắn, trừ khi chính người đó thừa nhận sự việc.
Còn theo luật sư Lê Ngọc Luân (Đoàn luật sư TP.HCM), trường hợp cô gái không thể chứng minh được tài sản này có do được tặng, cho trong khi tài sản do anh T. đứng tên và anh nói cho cô gái mượn thì hành vi của anh T. không có dấu hiệu tội phạm.
Tuy nhiên, nếu cô gái có bằng chứng là các tin nhắn hoặc có người làm chứng là cô gái đã được tặng cho thì vẫn có thể xem đây là quà tặng. Ở đây cần phải xác định ý chí có cho tặng. Vấn đề đăng ký chỉ là thủ tục về mặt hành chính.